1. Ba cách làm bánh cuốn nóng nhân thịt tại nhà bằng nồi hấp
1.1. Nguyên liệu
Cách làm bánh cuốn hấp bằng nồi hơi tại nhà là phương pháp tráng bánh theo đúng kiểu truyền thống của người dân Hà thành. Để làm bột vỏ bánh cuốn, người ta thường trộn bột gạo với bột năng. Đây là 2 thành phần tạo độ kết dính tốt, giúp món bánh dai mềm và ngon hơn. Về phần nhân, nguyên liệu chủ yếu làm từ nấm mèo với thịt bằm ướp gia vị. Món bánh phát huy hương vị thơm ngon nhất khi chấm kèm nước mắm pha chua chua ngọt ngọt. Trước khi thực hiện bánh cuốn, bạn chuẩn bị các thành phần nguyên liệu như sau nhé:
- 200 gram bột gạo
- 70 gram bột năng
- 200 gram thịt heo xay
- 5 miếng nấm mèo (ngâm nước nóng cho nở)
- 100 ml dầu thực vật
- Gia vị: 1/4 thìa cà phê muối ăn, 3 muỗng canh nước mắm loại ngon, 1/2 thài cà phê bột ngọt, 1/2 thìa cà phê tiêu xay, 2 trái ớt tươi, xắt nhỏ, 1 thìa cà phê bột nêm, 1 muỗng canh đường trắng.
- 20 gram hành tím cắt lát
- 3 nhánh hành lá tươi rửa sạch, xắt nhỏ
- Rau sống ăn kèm bánh cuốn (tùy chọn, đem nhặt lá, rửa sạch, đợi ráo nước)
- Dụng cụ: rây, màng nilon thực phẩm, nồi hơi tráng bánh cuốn.
1.2. Cách làm bánh cuốn hấp nóng nhân thịt tại nhà bằng nồi hơi truyền thống
1.2.1. Cách pha bột gạo bánh cuốn tráng nồi hơi
- Hòa tan 2 loại bột với 1/2 dầu thực vật, muối trong một cái tô sạch.
- Từ từ thêm 650 ml nước lọc vào hỗn hợp bột trên, khuấy đều sao cho bột không bị vón cục lại.
- Lấy màng nilon bọc kín tô bột, ủ trong ngăn mát tủ lạnh ít nhất 2 giờ.
- Sau thời gian trên, bạn mở tô bột ra, dùng phới lồng đánh bột cho sánh mịn lại.
1.2.2. Các bước làm nhân bánh cuốn
- Vớt nấm mèo sau khi ngâm nở, thái thật nhỏ.
- Cho nấm mèo với nạc heo xay vào tô sạch, thêm bột nêm, tiêu xay, bột ngọt, nước mắm vào tô và trộn cho ngấm vị.
- Bắc chảo, cho dầu thực vật vào, mở lửa lớn đun nóng. Sau đó, cho hành tím thái lát vào phi vàng và dậy mùi thơm thì vớt ra chén riêng.
- Tiếp tục cho thịt bằm trộn nấm với vào xào 2 – 3 phút thì cho hành lá vào cùng.
- Khi các nguyên liệu chín đều thì bạn tắt bếp.
1.2.3. Cách làm bánh cuốn nóng hấp bằng nồi hơi truyền thống
- Châm nước vào nồi hơi đã chuẩn bị, xếp một miếng vải boc trên miệng nồi hơi.
- Bật bếp nấu cho nước trong nồi hơi sôi.
- Dùng muôi múc một muỗng bột bánh cuốn tráng quanh mặt nồi thành một lớp mỏng vừa phải.
- Đậy nắp nồi, để 15 – 20 giây sau là bột chín, chuyển màu trong hơn.
- Lấy đũa cuộn từ mép bánh để tách ra khỏi nồi, chuyển qua đĩa có quét sẵn lớp dầu ăn chống dính.
- Xếp một lớp nhân thịt nấm vào giữa miếng bánh, cuộn tròn lại là xong. Bạn thực hiện với các nguyên liệu còn lại theo từng bước tương tự.
- Xếp bánh lên dĩa, rắc hành lá, hành phi lên trên.
1.2.4. Cách làm nước mắm chấm bánh cuốn nhân thịt hấp bằng nồi hơi
Trong một cái chén sạch, bạn khuấy đều đường với 2 muỗng canh nước đun sôi. Sau đó, thêm nước mắm và ớt xắt vào trộn cùng, dọn lên chén và thưởng thức cùng bánh cuốn.
1.3. Cách làm bánh cuốn nóng bằng nồi hấp thường
Ngoài nồi hơi, bạn có thể sử dụng nồi hấp bình thường để làm bánh cuốn. Để thực hiện phương pháp này, bạn cần một cái khuôn đã tráng dầu ăn chống dính ở đáy. Cách làm rất đơn giản, bạn cũng đổ nước vào nồi hấp, đun sôi, rồi múc muỗng bột tráng mỏng vào khuôn, đặt khuôn vào nồi hấp, đậy nắp lại. Khoảng 2 – 3 phút sau là có thể lấy khuôn ra, tách bánh cuốn và gói nhân.
1.4. Cách làm bánh cuốn hấp bằng nồi “tự chế”
Đôi khi, ở nhà không có đủ dụng cụ nấu nướng cần thiết để chế biến món ăn mình yêu thích, thì bạn có thể áp dụng gợi ý dưới đây để “tự chế” nồi tráng bánh cuốn theo phong cách của mình nhé. Dụng cụ cần chuẩn bị:
- 1 cái nồi sạch, lớn
- 1 tấm vải sạch, không mỏng, không quá dày, lớn hơn miệng nồi sử dụng (dùng vải cotton, vải phin hoặc vải dù là tốt nhất)
- 1 cây đũa dài, 1 que tre
- 1 sợi dây kích cỡ dài hơn miệng nồi (Bạn dùng dây có chất liệu khó bắt lửa nhé, rồi thắt dây hình tròn lớn)
Cách tráng bánh cuốn bằng nồi hấp tự làm như sau:
- Bạn châm 2 lít nước sạch vào nồi.
- Lấy tấm vải phủ lên miệng nồi, kéo căng lại để bọc kín.
- Vòng sợi dây đã thắt hình tròn bên ngoài tấm vải, quanh miệng nồi. Luồn que tre vào vòng dây, xoắn 1 chiều để siết vải lại chặt. Kiểm tra lại xem phần vải giữa miệng nồi căng và đàn hồi là hoàn tất.
- Dùng dao rọc 1 đường nhỏ trên mép vải để thoát hơi trong khi hấp. Giờ thì bạn có thể thực hiện các thao tác tráng bánh cuốn tương tự mục 1.2.3 là xong. Nhớ cắt phần vải dư để tránh trúng lửa cháy.
2. Những điều cần lưu ý khi sử dụng nồi hơi hấp bánh cuốn
Khi dùng nồi hơi hấp bánh cuốn, bạn cần lưu ý rất nhiều yếu tố, bao gồm:
- Châm lượng nước trong nồi đủ liều lượng để cung cấp hơi nóng hấp bánh cuốn chín. Bánh cuốn tráng dai mềm hay bị nứt là một phần phụ thuộc vào công đoạn này.
- Cần kéo căng miếng vải bọc miệng nồi để có độ đàn hồi tốt. Có như vậy, bánh cuốn sau khi tráng mới mịn màng, không bị ảnh hưởng đến hình dạng.
3. Tỷ lệ pha bột bánh cuốn bao nhiêu là đúng chuẩn?
Khi mới làm bánh lần đầu, trở ngại lớn nhất chúng ta thường gặp là kỹ thuật pha trộn bột. Đây là công đoạn quyết định đến chất lượng thành phẩm món ăn sau khi chế biến, với bánh cuốn cũng thế. Nếu bạn dùng tỷ lệ bột – nước không phù hợp, bột sẽ quá loãng, hoặc quá đặc. Bột quá loãng thì tráng bánh mỏng, dễ bị nứt. Còn bột quá đặc thì bánh sẽ dày, không ngon, dễ ngán.
Nếu bạn dùng hỗn hợp bột năng trộn bột gạo để tráng bánh cuốn thì cần đảm bảo tỷ lệ 1:5. Tỷ lệ nước cần dùng là gấp đôi tổng lượng bột sử dụng. Các thông số này giúp món bánh của bạn đạt độ dẻo dai hấp dẫn. Nếu bạn muốn tăng độ dẻo, có thể tăng thêm bột năng. Để bột bánh mềm, bạn thêm 1 muỗng canh dầu thực vật vào trộn cùng. Trước khi tráng/ hấp, bột cần được ủ ít nhất 10 tiếng nhé.
Là món ngon dễ làm mang đậm chất văn hóa ẩm thực Hà Nội, bánh cuốn cũng được dùng như bữa ăn sáng phổ biến với hầu hết người Việt. Bánh cuốn là sự kết hợp giữa bột bánh gạo mềm thơm, nhân thịt nấm giòn giòn, chấm kèm nước mắm chua ngọt ngon đến không thể cưỡng nổi. Với cách làm bánh cuốn bằng nồi hấp truyền thống tại nhà với các thao tác đơn giản trên đây, trangnauan.com hy vọng từ nay bạn đã có thể tự chế biến nên món bánh dẻo mềm yêu thích để thưởng thức cùng gia đình.
Thùy Trâm dịch và tổng hợp