1. Hướng dẫn làm sốt cà chua tươi ngon đơn giản nhất tại nhà
1.1. Nguyên liệu
Cách làm nước sốt cà chua tại nhà nấu như thế nào để bảo quản được lâu là mối trăn trở của nhiều chị em nội trợ. Bởi, nhiều món ngon mỗi ngày cần đến món nước sốt này mới trở nên đậm đà, hấp dẫn hơn.
- 1 kg cà chua tươi đem rửa sạch, khứa 2 đường chéo nhau trên đầu (ngay cuống)
- 2 muỗng canh giấm ăn
- 1 củ hành tây bóc vỏ, thái hạt lựu
- 1/2 thìa cà phê tiêu xay
- 1/2 thìa cà phê sốt mù tạt
- 1 thìa cà phê gừng tươi băm nhuyễn
- 1/2 thìa cà phê đường trắng
- 1 thìa cà phê tỏi băm
- 1 thìa cà phê muối ăn
- 2 muỗng canh dầu thực vật
- Nước lọc (đủ để ngập số cà chua dùng)
- Dụng cụ: muỗng, nồi, chảo chống dính, máy xay sinh tố, hũ thủy tinh có nắp đậy.
1.2. Cách làm nước sốt cà chua tươi thơm ngon, đơn giản tại nhà
- Bắc nồi, cho nước lọc cùng cà chua đã sơ chế vào, bật bếp nấu.
- Luộc cà chua đến khi chín thì vớt ra, đợi hơi nguội thì bạn bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài đi.
- Bắc chảo cùng dầu thực vật lên bếp đun nóng.
- Cho tỏi băm vào chảo dầu đảo đều, phi đến khi dậy mùi thơm thì cho hành tây, tiêu xay, gừng băm, muối ăn và sốt mù tạt vào khuấy đều.
- Chỉnh lửa vừa, nấu hỗn hợp trên đến khi mềm (khoảng 10 phút).
- Thêm cà chua đã bóc vỏ vào chảo hành tây trên, tiếp tục nấu cho mềm.
- Thêm đường, giấm ăn vào chảo, đảo đều khoảng 10 – 12 phút, nấu cho hỗn hợp sốt cà sánh sệt lại thì tắt bếp.
- Đợi sốt cà nguội, bạn đổ vào cối máy xay, nhấn nút xay cho hỗn hợp nhuyễn mịn hoàn toàn là được.
- Cuối cùng, chỉ cần đổ sốt cà vào hũ thủy tinh (đã khử trùng sạch), đậy nắp kín. Đặt hũ nước sốt trong tủ lạnh, bảo quản ở ngăn mát và sử dụng dần nhé.
2. Cách làm nước sốt cà chua ăn với pizza kiểu Ý
2.1. Nguyên liệu
Ngoài pizza, nước sốt cà chua kiểu Ý (Italian tomato sauce) này còn có thể dùng kèm với mì pasta, mì nui xào bò,…Các thành phần nguyên liệu cơ bản gồm có:
- 3 tép tỏi lớn băm nhỏ
- 1 củ hành tây vừa, thái hạt lựu
- 2 – 3 muỗng canh dầu oliu
- 10 trái cà chua vừa rửa sạch, thái hạt lựu và 2 muỗng canh cà chua tươi xay nhuyễn
- 175 ml rượu vang đỏ
- 1 muỗng canh húng quế tươi đã rửa sạch, xắt nhỏ
- 1 muỗng canh lá oregano thái nhỏ
- 2 lá nguyệt quế
2.2. Cách làm nước sốt cà chua cho bánh pizza kiểu Ý
- Cho dầu oliu vào chảo, bắc lên bếp, đun thật nóng.
- Thêm hành tây vào, đảo đều cho đến khi mềm và chuyển màu hơi nâu thì hạ nhiệt nhỏ lại.
- Thêm tỏi băm cùng với rượu vang vào, khuấy đều trong 1 – 2 phút.
- Cho cà chua thái hạt lựu, húng quế, lá oregano, lá nguyệt quế vào, nấu với lửa nhỏ và đảo đều trong 5 phút.
- Ninh hỗn hợp cho nhừ trong khoảng 20 phút nữa, cho cà chua xay vào nấu cùng thêm 5 phút nữa.
- Tắt bếp, đợi hỗn hợp nước sốt nguội, cho vào hũ, đậy nắp và bảo quản trong tủ lạnh ở ngăn mát.
- Khi ăn kèm bánh pizza, bạn có thể dùng mặt sau của muỗng phết sốt cà đều lên mặt bánh và thưởng thức. Để bổ sung các công thức nấu ăn phong phú của mình, bạn có thể học cách làm pizza mà Webnauan.vn hướng dẫn nhé!
3. Cách nấu sốt cà chua sánh ngon làm mỳ Ý
3.1. Nguyên liệu
Cách làm sốt cà chua ăn mì Ý này chỉ cần 3 nguyên liệu đơn giản như sau:
- 1,8 – 2 kg cà chua tươi rửa sạch, xắt nhỏ
- 1 cốc dầu oliu
- 2 thìa cà phê muối ăn
- Có thể thêm ít rau húng quế xắt nhỏ để trang trí (nguyên liệu không bắt buộc)
3.2. Cách làm nước sốt cà chua ăn với mỳ Ý
- Trong một cái nồi lớn, cho tất cả nguyên liệu vào, nấu với mức lửa trung bình.
- Khi hỗn hợp sốt cà bắt đầu sôi nhẹ, sủi bọt thì dùng muỗng khuấy đều cho cà nát ra.
- Hạ lửa nhỏ hơn một chút, hầm khoảng nửa tiếng nữa. Trong lúc đun, nhớ lâu lâu khuấy đều để nước sốt không bị cháy khét.
- Nấu đến khi sốt cà sánh đặc sệt lại, thì thêm rau húng quế vào khuấy cùng.
- Trộn hỗn hợp thêm 2 – 3 phút nữa thì tắt bếp.
- Đổ hỗn hợp sốt cà vào hũ thủy tinh, đậy kín, bảo quản tối đa trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 1 tuần để sử dụng ngon nhất.
- Khi dùng, bạn lấy ra một ít nấu với mì spaggetti, hoặc làm món nui xào bò sốt cà chua đều rất ngon.
4. Cách làm sốt cà chua không cần cà chua tươi
4.1. Nguyên liệu
Giải pháp “tự chế” món sốt cà chua mà không dùng cà chua tươi này giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền vào những mùa cà chua lên giá. Hơn nữa, công thức giả nước sốt cà chua này lại giúp bảo quản được rất lâu. Bạn có thể dùng sốt chấm ăn kèm rau sống, bún, cơm…đều rất ngon đấy nhé. Các thành phần nguyên liệu thay thế cho cà chua tươi gồm có:
- Bột nghệ nguyên chất: 1/2 thìa cà phê (Xem cách làm bột nghệ nguyên chất tại nhà)
- Bột màu: 1/2 thìa cà phê
- Dầu oliu (nếu có dầu dừa thay thế thì càng tốt): 1 thìa cà phê
- Mật ong nguyên chất: 1 thìa cà phê
- Bơ đậu phộng (hoặc bạn dùng đậu phộng sống rang lên, rồi bóc vỏ, xay nhuyễn thành bột mịn): 1/2 thìa cà phê
- Nước mắm ngon: 1 thìa cà phê
- Nước tương đậu nành: 1 thìa cà phê
- Mẻ: 1 thìa cà phê
- Nước lọc: 1/3 chén
- Gia vị nêm nếm: tiêu xay, mì chính, hành lá xắt nhỏ
4.2. Cách làm nước sốt cà chua không dùng cà chua tươi
- Bắc chảo, hoặc nồi nhỏ, cho tất cả nguyên liệu vào nấu cùng.
- Trong lúc đun nước sốt, nhớ khuấy đều để hỗn hợp hòa quyện.
- Nêm tiêu xay, mì chính cho vừa ăn, nấu cho nước sốt sánh đặc lại như mong muốn thì tắt bếp.
- Khi dùng, bạn rải hành lá xắt nhỏ lên chén nước sốt để ăn với cơm, bún, chấm rau sống,…cho món ăn tăng hương vị nhé. Còn nếu để bảo quản, thì khoan rắc hành lá. Đổ nước sốt (đã nguội) vào hũ, đậy nắp và đặt trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
5. Cách làm nước sốt tương cà chua Jeow Mak Len đặc sản của Lào
5.1. Nguyên liệu
Công thức Jeow Mak Len này có vị chua rất đặc trưng, nhờ có các nguyên liệu nước chanh, nước mắm và rau mùi. Cách làm tương cà này được ăn kèm với rau luộc, hấp, hoặc rau sống, thịt hấp đều rất ngon. Các nguyên liệu làm nước sốt Jeow Mak Len cũng rất dễ tìm, bao gồm:
- 3 quả cà chua tươi, sống, kích cỡ vừa (đã rửa sạch, bỏ cuống, để ráo nước hoàn toàn)
- 2 củ hành tím gọt vỏ, xắt nhỏ
- 2 quả ớt tươi (bỏ hột, cắt cuống)
- 3 nhánh hành lá xắt nhỏ, chia đôi
- 2 tép tỏi bóc vỏ sẵn
- 1 muỗng canh nước cốt chanh
- 1/2 muỗng canh nước mắm ngon
- 1/4 chén rau mùi xắt nhỏ
5.2. Cách làm đặc sản nước sốt tương cà chua rang Jeow Mak Len của Lào
- Cho cà chua vào chảo chống dính, rang lửa vừa.
- Thỉnh thoảng, nhớ đảo đều cho cà chua chín mà không bị cháy sém.
- Đợi cà chua mềm ra thì tắt bếp, để nguội hoàn toàn.
- Trong một cái cối bằng gỗ, hoặc đá, bạn cho tỏi vào, dùng chày băm nhuyễn.
- Sau đó, cho hành tím, ớt tươi, 1/2 phần hành lá vào, giã nhuyễn.
- Thêm rau mùi và phần cà chua đã rang vào cối, giã chung với nguyên liệu.
- Cho nước cốt chanh, nước mắm vào khuấy đều, nêm nếm nước sốt vừa miệng.
- Đổ nước sốt cà ra chén, lấy 1/2 phần hành lá còn lại xắt nhỏ và rắc lên trên. Thưởng thức nước sốt cà chua này ăn kèm với cơm nóng, rau sống,…để cảm nhận vị ngon đặc biệt của Jeow Mak Len nhé!
6. Cách làm sốt cà chua sánh đặc từ bột ngô để được lâu
6.1. Nguyên liệu
Bột ngô chính là bí quyết giúp món nước sốt của bạn trở nên sánh, đặc, ngon miệng hơn sau khi chế biến. Tỷ lệ nguyên liệu bạn cần dùng cho công thức sốt cà này gồm có:
- 1 kí cà chua tươi, trái không bị dập nát
- Bột ngô: 2 thìa cà phê (bạn giữ đúng mức tỷ lệ bột ngô này khi dùng 1 kg cà chua tươi sống nhé)
- Muối ăn: 1 thìa cà phê
- Đường trắng: 2 thìa cà phê
6.2. Cách làm nước sốt cà chua đặc, để được lâu với bột ngô
- Với cà chua, bạn xả nước sạch rửa nhiều lần. Sau đó, bỏ cuống cà đi, rồi bóc phần vỏ bên ngoài ra. Sau đó, cắt cà chua thành các khối nhỏ (Tùy khẩu vị mà bạn có thể để nguyên hạt cà, hoặc bỏ đi nhé). Cho toàn bộ cà chua vào máy sinh tố và xay nhuyễn mịn.
- Trong một chén nhỏ, bạn cho bột ngô vào cùng với nước lọc, khuấy đều cho bột hòa tan loãng ra.
- Đổ phần cà chua đã xay vào nồi, bắc lên bếp, nấu với mức lửa nhỏ.
- Khuấy đều sốt cà chua cho đến khi sôi nhẹ thì cho hỗn hợp bột bắp pha loãng, cùng với đường, muối ăn vào đun cùng.
- Nêm nếm lại sốt cà chua cho hợp khẩu vị.
- Nấu nước sốt thêm 15 – 20 phút cho sánh đặc lại thì tắt bếp.
- Đợi sốt cà nguội hoàn toàn, đổ vào hũ thủy tinh đã tiệt trùng, đậy nắp và cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
7. Cách làm sốt cà chua cho món thịt bò viên
7.1. Nguyên liệu
Thịt sốt cà chua là một trong những món ngon dễ làm thường thấy trong bữa cơm hàng ngày của nhiều gia đình.
- 450 gram thịt nạc bò xay
- 1 quả trứng gà, đánh sẵn trong tô sạch
- 1/2 chén hành tây thái nhỏ
- 1/3 chén gạo hạt dài Arborio
- 1/4 chén rau mùi tây xắt nhỏ
- Ít muối ăn, tiêu đen xay
- Nguyên liệu làm nước sốt cà chua: nửa kí cà chua tươi sống thái hạt lựu, 1 cốc nước lọc, 1 thìa cà phê lá oregano khô, 1/2 thìa cà phê bột quế, 1/2 thìa cà phê bột paprika, 1/4 thìa cà phê tỏi băm, ít muối ăn và tiêu đen xay, rau mùi tây xắt nhỏ (để trang trí).
7.2. Cách làm thịt bò viên sốt cà chua
7.2.1. Cách làm thịt bò vo viên
- Trong 1 cái tô lớn, bạn cho thịt bò xay, trứng, hành tây, gạo, rau mùi tây, nêm với muối, tiêu xay, trộn đến khi hỗn hợp hòa quyện và sệt lại kết dính.
- Chia hỗn hợp trên thành 8 – 10 phần, vo viên lại.
- Xếp các viên thịt bò vào nồi áp suất.
7.2.2. Cách làm nước sốt cà chua nấu với thịt bò viên
- Trong một cái tô vừa, bạn khuấy đều các nguyên liệu làm nước sốt cà với nhau.
- Sau đó, đổ phần nước sốt này vào nồi áp suất, rải đều lên các viên thịt.
- Đậy nắp nồi, đóng van xả áp, chọn nút “Manual” hoặc “Pressure Cook”, nấu với áp suất cao trong 15 phút.
- Sau thời gian trên, đợi áp suất nồi giải phóng hết thì mở nắp.
- Chuyển thịt viên nấu chín vào dĩa, tách riêng phần nước sốt và cho vào máy sinh tố xay khoảng 30 giây cho nhuyễn mịn.
- Rước phần sốt vừa xay lên các viên thịt bò, trang trí với ít rau mùi tây lên trên. Món nước chấm sốt cà này thưởng thức nóng với bánh mì hoặc cơm trắng là ngon nhất nhé!
8. Cách làm nước sốt cà chua cay kiểu Thái
8.1. Nguyên liệu
- 2 cọng sả (bỏ phần lá bên ngoài, giữ phần gốc đầu trắng và thái nhỏ)
- 3 tép tỏi bóc vỏ, thái lát
- 1 miếng gừng tươi khoảng 6 cm thái lát
- 2 – 3 quả ớt hiểm thái lát (bỏ hột cho bớt cay)
- 1,5 muỗng canh đường thốt nốt
- 1/4 chén húng quế xắt nhỏ
- 3 muỗng canh nước mắm ngon
- 3 lá chanh non rửa sạch
- Nước ép 1 trái chanh tươi
- 2 củ hành tây thái hạt lựu
- Ít tiêu xay
- 1,8 kg cà chua tươi gọt bỏ lớp vỏ ngoài và xắt nhỏ
8.2. Cách làm sốt cà chua cay của người Thái
- Cho sả, tỏi, gừng, ớt tươi, đường, lá chanh và húng quế vào cối, giã bằng chày cho đến khi tạo hỗn hợp nhuyễn, mịn.
- Thêm nước mắm, nước chanh tươi vào trộn đều.
- Bắc chảo lớn, cho 1 muỗng canh dầu thực vật vào, xào hành tây cho mềm ra.
- Nêm gia vị, nấu hành tây thêm 1 phút cho dậy mùi thơm.
- Cho toàn bộ cà chua vào, hạ nhỏ lửa, hầm trong 90 phút cho nhừ.
- Đổ hỗn hợp đã giã trong cối vào nấu chung với cà chua cho đến khi các nguyên liệu hòa quyện, nước sốt đặc lại và có vị vừa ăn thì tắt bếp.
- Đợi nước sốt nguội thì cho vào hũ bảo quản dùng dần.
9. Cách khắc phục nước sốt cà chua bị đắng
Một tình trạng rất phổ biến trong quá trình bảo quản sốt cà chua trong tủ lạnh là nước sốt có vị đắng. Không có cách khắc phục nào đảm bảo 100% sốt cà chua của bạn sẽ trở lại với mùi vị thơm ngon nhất ban đầu. Tuy nhiên, bạn có thể thử cách sau:
- Đun nóng 1 chén sốt cà với 1/2 thìa cà phê bột nở baking soda.
- Nếm thử nước sốt xem có độ chua hay chưa, nếu vẫn còn hơi đắng thì bạn thêm một ít baking soda vào nấu chung với lửa nhỏ nữa nhé.
Hoặc, sử dụng cách khác: nấu nước sốt cà chua với 1 thìa cà phê bơ. Đun hỗn hợp tan chảy, nếm thử, đến khi có được độ chua vốn có là được. Còn nếu đã thử 2 biện pháp trên mà vẫn thất bại, thì bạn nên bỏ phần nước sốt ấy đi và nấu lại từ đầu với các nguyên liệu tươi mới, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình nhé.
10. Nước sốt cà chua để được bao lâu?
Nếu bảo quản sốt cà chua tự làm đúng cách như đã hướng dẫn ở trên, thời hạn sử dụng nước sốt này có thể lên đến 1 tháng.
Sốt cà là món nước chấm có vị chua thanh, mặn ngọt dìu dịu thường được sử dụng như một nước chấm, hoặc nước sốt ướp nấu kèm nhiều món ngon khác – như mì Ý, pasta, nui, pizza, cá chiên,…Cách làm sốt cà chua tại nhà lại vô cùng đơn giản. Trong quá trình bảo quản, nếu nước sốt bị đắng, bạn có thể dùng bơ hoặc baking soda để “chữa cháy” theo mẹo mà Webnauan.vn đã hướng dẫn chi tiết trên đây. Với những bí quyết hữu dụng này, bạn đừng ngại mà dành ra chút thời gian tự nấu cho mình hũ sốt cà chua dùng dần trong nhà nhé!
Thùy Trâm dịch và tổng hợp